Ong là loài côn trùng rất phổ biến. Bạn có thể chạm trán chúng ở các vườn hoa, công viên, khi đi bộ trong rừng hoặc thậm chí ngay cả trong nhà bạn. Hầu hết chúng ta đều đã từng bị ong đốt ít nhất một lần, và dù nó khá đau, nhưng các vết ong đốt thường vô hại.

Tuy nhiên, có nhiều người bị dị ứng với các vết ong đốt này và có thể dẫn tới tình trạng sốc phản vệ, nguy hiểm tới tính mạng. Vậy chính xác thì điều gì đã xảy ra trong cơ thể chúng ta khi ta bị ong đốt mà lại khiến nó gây ra phản ứng?

Sơ cứu khi bị ong đốt

Khi bị ong tấn công, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh, trước tiên cần che vùng đầu để không bị đốt, tiếp đến tìm cách dùng tay bới đất cát vung lên cao để xua đuổi chúng bay đi chỗ khác (không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng bu lại tấn công) và nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. Sau đó, cần thực hiện một trong những cách sơ cứu sau:

Nên làm gì khi bị ong đốt?

– Sơ cứu theo y học hiện đại: Lập tức nhổ ngay kim chích (nếu có). Bình tĩnh và thận trọng dùng một vật nhọn như mũi dao, đầu kim… để khều kim chích ra. Tuyệt đối không dùng tay nặn để lấy kim, túi độc vì như thế sẽ tạo điều kiện cho nọc độc lan tỏa và thấm sâu hơn vào cơ thể. Rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng, sau đó đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề trong khoảng 15-20 phút để làm giảm đau. Không nên đắp trực tiếp nước đá lên chỗ ong đốt. Bôi dung dịch calamin (thường bôi lên vết bỏng để làm dịu đau) hoặc hồ bột natri lên vết thương, có tác dụng trung hòa và thấm hút nọc độc. Băng che kín phần vết thương. Để nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan chuyển sang nơi khác; phần bị chích nên để ở vị trí thấp hơn tim. Bó nẹp tay hoặc chân để tránh sự lay động khi di chuyển đến bệnh viện. Nếu cần thiết, có thể tiêm huyết thanh chống độc.

– Sơ cứu theo y học cổ truyền: Dùng các loại cây cỏ chà xát trên vết đốt. Các hoạt chất có trong cây khi gặp nọc ong (bản chất chính là những protein) sẽ tạo thành những “chất kết tủa”, từ đó giúp giải nọc độc. Trước hết, phải nhổ ngay kim chích (nếu có). Dùng củ, lá môn chà xát tại chỗ. Nếu bị ong vàng (ong nghệ) đốt, dùng đường đen hay giấm chua thoa ngay lên vết thương. Dùng bã trà còn ướt, bất kể nhiều hay ít, chà xát tại chỗ để giúp giảm đau. Cũng có thể lấy rau sam hay lá hẹ giã nhuyễn đắp tại chỗ, hoặc gừng tươi cắt lát chà xát vết thương. Đối với giống ong có độc thì lấy rau dền vò nát, xát vào vết đốt.

Phòng tránh ong đốt

Để phòng tránh bị ong đốt, tuyệt đối tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết. Không chọc phá tổ ong; thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà vì ong thường làm tổ ở nơi lộ thiên, trên những cành cây hay bụi cây hoặc quanh nhà. Khi có ong xuất hiện, cần đứng yên, không chạy; Khi đi vào rừng, đi dã ngoại, không nên mặc quần áo màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm… có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong. Không nên đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Nên đội mũ, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín khi cần có việc ra ngoài đồng, vườn hoặc rừng.

Theo Bệnh viện Mayo, khả năng những người bị dị ứng nghiêm trọng với vết ong đốt gặp phải phản ứng quá mẫn ở lần bị đốt tiếp theo là từ 30 - 60%.

Vì vậy, nếu bạn bị dị ứng nghiêm trọng thì hãy nói chuyện với bác sĩ về những biện pháp ngăn ngừa để giảm bớt những phản ứng này vào lần tới khi bạn bị ong đốt, ví dụ như dùng tới EpiPen – một loại bút tiêm epinephrine để điều trị tình trạng sốc phản vệ.


Bài viết được trích nguồn tại: http://suckhoechomoinha.org
Thông tin liên hệ:
Trung tâm nha khoa Đăng Lưu
Cơ sở 1: 34 Phan Đăng Lưu, P.6, Q.BìnhThạnh - (+84 8) 6297 7148
Cơ sở 2 : 540 Trần Hưng Đạo, P.2, Q.5 - (+84 8) 6682 0246
Hotline: 08 3803 0578
Tg: Ngavvt
 
Top